- 15/11/2021
- 1939 lượt xem
- Thông tin chuyên ngành
Việt Nam có vùng biển rộng trên 1,0 triệu km2, gấp 3 lần diện tích đất liền. Biển Việt Nam thuộc Biển Đông nằm trên tuyến đường giao thông huyết mạch nối liền Thái Bình Dương - Ấn Độ Dương, châu Âu - Châu Á, Trung Đông - Châu Á. Đây được coi là tuyến đường vận tải quốc tế nhộn nhịp thức hai của thế giới. Hơn 90% lượng vận tải thương mại của thế giới thực hiện bằng đường biển và 45% đi qua Biển Đông. Với lợi thế về biển, kinh tế hàng hải (cảng biển và vận tải biển) đã hình thành và ngày càng có vai trò đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển kinh tế, bảo đảm an ninh, quốc phòng trong tiến trình hội nhập quốc tế của đất nước.
I. HỆ THỐNG CẢNG BIỂN Ở VIỆT NAM HIỆN NAY
Hiện nay, cả nước có 45 cảng biển đang hoạt động trong đó: 02 cảng biển loại IA (cảng cửa ngõ quốc tế); 12 cảng biển loại I (cảng tổng hợp đầu mối khu vực); 18 cảng biển loại II (cảng tổng hợp địa phương) và 13 cảng biển loại III (cảng dầu khí ngoài khơi). Tổng số bến cảng của hệ thống cảng biển là 251 bến cảng với khoảng 88km chiều dài cầu cảng và 18 khu neo đậu, chuyển tải, tổng công suất thiết kế khoảng 543,7 triệu tấn hàng/năm.
Nguồn: Cục Hàng hải Việt Nam
Hệ thống cảng biển Việt Nam được chia thành 06 nhóm cảng biển:
- Nhóm 1 gồm các cảng biển phía Bắc (từ Quảng Ninh - Ninh Bình).
- Nhóm 2 gồm các cảng biển Bắc Trung Bộ (từ Thanh Hóa - Hà Tĩnh).
- Nhóm 3 gồm các cảng biển Trung Trung Bộ (từ Quảng Bình-Quảng Ngãi).
- Nhóm 4 cảng biển Nam Trung Bộ (từ Bình Định đến Bình Thuận).
- Nhóm 5 các cảng biển Đông Nam Bộ (TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương).
- Nhóm 6 các cảng biển vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
1. Những kết quả đạt được trong thời gian qua
Nhìn lại chặng đường phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời gian qua, hạ tầng cảng biển đã được phát triển lên về nhiều mặt, là động lực quan trọng giúp kinh tế biển ngày một phát triển. Hệ thống cảng biển cơ bản đáp ứng được yêu cầu luân chuyển hàng hóa vận tải bằng đường biển, phục vụ tích cực cho quá trình phát triển kinh tế xã hội vùng ven biển và cả nướ, hội nhập kinh tế quốc tế, góp phần bảo đảm quốc phòng an ninh; tạo động lực thu hút, thúc đẩy các ngành kinh tế, công nghiệp liên quan cùng phát triển.
1. Phát triển mạnh mẽ về quy mô và năng lực
- Một trong những thành tựu đạt được của hệ thống cảng biển Việt Nam là đã cơ bản hình thành, tạo nên mạng lưới cảng biển trên toàn quốc với các cảng biển có chức năng khác nhau, bao gồm: cảng biển tổng hợp quốc gia, cảng địa phương, khu vực, cảng cửa ngõ quốc tế cho các vùng trọng điểm kinh tế. Đến nay, các cảng biển tổng hợp trọng điểm đã được đầu tư theo đúng quy hoạch được phê duyệt. So với những năm đầu tiên triển khai thực hiện quy hoạch lần thứ nhất, hệ thống cảng biển Việt Nam đã tăng lên 4,4 lần về chiều dài cảng biển.
- Gắn liền với các trung tâm, các vùng kinh tế lớn của cả nước đã hình thành các cảng biển lớn với vai trò là đầu mối phục vụ xuất nhập khẩu hàng khóa và tạo động lực phát triển toàn vùng như: Cảng biển Hải Phòng, Quảng Ninh gắn với vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc; cảng biển Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Dung Quất, Quy Nhơn gắn với vùng kinh tế trọng điểm miền Trung; cảng biển TP Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai gắn với vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam Bộ; cảng biển Cần Thơ, An Giang gắn với vùng kinh tế trọng điểm đồng bằng sông Cửu Long. Một số cảng biển đã và đang được đầu tư với quy mô hiện đại mang tầm vóc quốc tế như cảng biển Hải Phòng, Bà Rịa - Vũng Tàu. Các cảng biển này đã và đang thực hiện vai trò cảng cửa ngõ quốc tế và đảm nhận chức năng trung chuyển.
- Các bến cảng được quan tâm, cải tạo nâng cấp để tiếp nhận các tàu có trọng tải ngày càng lớn hơn. Hầu hết các cảng tổng hợp, đầu mối khu vực đã được đầu tư mới và cải tạo nâng cấp cho phép tiếp nhận tàu có trọng tải đến 30.000 -50.000 DWT và lớn hơn phù hợp với xu thế phát triển của đội tàu biển thế giới. Nhiều bến cảng đầu tư mới với quy môhiện đại cho phép tiếp nhận tàu trọng tải lớn đến hàng trăm nghìn tấn như Cái Mép - Thị Vải (tiếp nhận tàu 160.000-194.000 DWT), bến cảng Lạch Huyện (tiếp nhận trên 100.000 DWT). Đây là cơ sở quan trọng, khẳng định năng lực cảng biển Việt Nam làm mắt xích trong chuỗi vận tải toàn cầu; là cơ sở quan trọng, khẳng định năng lực cảng biển Việt Nam, tạo tiền đề để các hãng tàu hàng đầu thế giới thiết lập các tuyến vận tải trực tiếp từ nước ta đến châu Âu, Mỹ,…và dần hình thành khu cảng cửa ngõ, đầu mối mang tính chất trung chuyển quốc tế của Việt Nam.
- Lần đầu tiên tại Việt Nam, các bến cảng chuyên dùng hành khách đã được quan tâm, đầu tư xây dựng tại Hòn Gai, Phú Quốc, khi các bến cảng này hoàn thành cho phép tiếp nhận tàu khách quốc tế có trọng tải đến 225.000GT, bước đầu đáp ứng nhu cầu vận tải hành khách du lịch quốc tế bằng đường biển.
2. Thu hút mạnh mẽ nguồn vốn đầu tư ngoài ngân sách
- Việc huy động các nguồn vốn xã hội hóa để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng cảng biển là một nhiệm vụ cấp thiết nhằm thu hút nguồn vốn xã hội hóa, chia sẻ gánh nặng ngân sách, đáp ứng đòi hỏi về đầu tư kết cấu hạ tầng ngành hàng hải, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH trong giai đoạn hiện nay.
- Thời gian qua, ngoài một số bến cảng do Nhà nước đầu tư hoặc sử dụng nguồn vốn ODA như: Cái Lân, An Thới, Thị Vải, Tiên Sa được giao cho doanh nghiệp nhà nước quản lý khai thác theo hình thức cho thuê hoặc thực hiện cổ phần hóa, hầu hết các cảng biển đều được đầu tư từ nguồn vốn xã hội hóa.
- Nguồn vốn huy động ngoài ngân sách để đầu tư cho hệ thống cảng biển tại Việt Nam phát triển rất mạnh mẽ với sự tham gia của các hãng tàu lớn trên thế giới, hàng loạt cảng liên doanh ra đời đã làm thay đổi bộ mặt hệ thống cảng biển Việt Nam, điển hình là các cảng biển trên khu vực sông Cái Mép - Thị Vải,…Vốn đầu tư ngoài ngân sách khoảng 7,88 tỷ USD (trong đó, bao gồm: nguồn vốn FDI và nguồn vốn doanh nghiệp tự huy động). Hệ thống cảng biển chuyên dùng cũng thu hút được nguồn vốn ngoài ngân sách đáng kể so với việc hình thành cảng cụm công nghiệp hiện đại, có quy mô lớn (khu kinh tế Nghi Sơn, Vũng Áng - Sơn Dương, Dung Quất, Trà Vinh,…). Để thu hút được nguồn vốn này, Chính phủ, các bộ, ngành có liên quan đã ban hành nhiều cơ chế chính sách để thu hút đầu tư, huy động các nguồn vốn xã hội khác, ban hành chính sách ưu đãi trong hoạt động kinh doanh, khai thác cảng biển,…
- Điểm nổi bật trong việc huy động các nguồn lực đầu tư khác vào hạ tầng cảng biển thời gian qua là nhiều tập đoàn hàng đầu thế giới trong lĩnh vực vận tải và điều hành khai thác cảng biển trên thế thới như: Hutchison, PSA, DP World, SSA,…đã có mặt tại Việt Nam để hình thành các liên doanh đầu tư xây dựng và khai thác cảng biển. Đây là nền tảng rất thuận lợi để cảng biển Việt Nam trở thành một mắt xích trong chuỗi cung ứng toàn cầu của các tập đoàn hàng hải và khai thác cảng biển hàng đầu thế giới.
3. Chất lượng dịch vụ khai thác cảng ngày một nâng cao
Từ những chính sách mở về đầu tư, chúng ta đã thu hút được nhiều nhà đầu tư là các nhà khai thác cảng chuyên nghiệp, các hãng tàu lớn của thế giới tham gia đầu tư xây dựng và khai thác cảng biển tại Việt Nam. Những nhà khai thác cảng chuyên nghiệp trên thế giới, các hãng tàu và một số nhà khai thác cảng trong nước như Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam đã mang đến những dịch vụ cảng biển tốt nhất, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ và sức cạnh tranh của cảng biển Việt Nam.
4. Hội nhập sâu rộng, tăng vị thế trên trường quốc tế
- Hiện tại, Việt Nam đã là thành viên chính thức của 07 tổ chức và diễn đàn quốc tế về hàng hải, bao gồm: Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO); Hiệp hội các cơ quan quản lý hỗ trợ hàng hải và hải đăng quốc tế (IALA); Diễn đàn các nhà lãnh đạo cơ quan hàng hải Châu Á – Thái Bình Dương (APHoMSA);
- Việt Nam cũng đã gia nhập 19 công ức và Nghị định thư về hàng hải của IMO, 01 công ước của Liên hợp quốc và 01 công ước của Tổ chức Lao động quốc tế. Việt Nam cũng đã ký hiệp định vận tải biển/hiệp định hàng hải song phương cấp Chính phủ với 28 quốc gia và vùng lãnh thổ; ký thỏa thuận công nhận giấy chứng nhận chuyên môn với 32 quốc gia và vùng lãnh thổ. Việc trở thành thành viên chính thức và tham gia các công ước, hoạt đọng trong các tổ chức quốc tế và khu vực về hàng hải giúp nước ta thể hiện vị thế trong cộng đồng hàng hải quốc tế và khu vực, có cơ hội giao lưu, học hỏi kinh nghiệm trên các lĩnh vực của ngành; giải quyết các vấn đề chung như ô nhiễm môi trường biển, rác thải nhựa đại dương, tìm kiếm cứu nạn, quyền tự do đi lại của tàu biển trong khu vực, bảo đảm công tác an toàn, an ninh hàng hải nói riêng và an ninh quốc phòng nói chung.
5. Đột phá cải cách thủ tục hành chính
Trong 05 năm trở lại đây, hàng hải được đánh giá là một trong những ngành có sự đột phá mạnh mẽ trong công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC). Hiện tổng số TTHC trong lĩnh vực hàng hải được công bố là 101 TTHC, trong đó có 21 thủ tục được đề xuất cắt giảm, đạt 21,7%. Về dịch vụ công trực tuyến, hệ thống cảng biển Việt Nam đi đầu trong việc tham gia thực hiện Cơ chế một cửa Quốc gia ngay từ giai đoạn đầu (2014). Hiện nay, đã xây dựng lộ trình, triển khai; 58 TTHC mức độ 2; 39 TTHC cung cấp trực tuyến mức độ 3; 09 TTHC cung cấp trực tuyến mức độ 4. Đặc biệt, việc thực hiện cung cấp 11 TTHC lĩnh vực hàng hải tham gia Cơ chế một cửa Quốc gia tại 25 cảng vụ hàng hải giúp nâng cao chất lượng, công khai minh bạch việc giải quyết TTHC của cơ quan quản lý nhà nước, giúp doanh nghiệp vận tải rút ngắn được tương đối chi phí, thời gian trong mỗi chuyến hành trình.
2. Một số tồn tại của hệ thống cảng biển
Bên cạnh những ưu điểm, những thành tựu đã đạt được của hệ thống cảng biển trong thời gian qua, hệ thống cảng biển Việt Nam vẫn còn nhiều tồn tại và hạn chế như: Quy hoạch phát triển còn ngắn hạn, không đồng bộ, giao thông kết nối còn nhiều bất cập, dịch vụ logistics phát triển còn manh mún và chưa tương xứng, trách nhiệm của địa phương quá thụ động về quy hoạch phát triển và bị động về kinh phí, cơ chế quản lý phát triển kết cấu hạ tầng dịch vụ hỗ trơ cho cảng biển, về thẩm quyền bảo đảm lợi ích cho nhà đầu tư, quy hoạch sử dụng đất đai còn chưa phù hợp,…chính là những điểm hạn chế chủ yếu của hệ thống cảng biển Việt Nam.
a. Hệ thống giao thông kết nối cảng biển chưa tương xứng
- Hạn chế lớn nhất của hệ thống cảng biển nước ta hiện nay là thiếu hạ tầng kế nối. Sự ùn tắc ở cảng biển phần lớn là do kết cấu hệ thống giao thông kết nối cảng chưa tương xứng.
- Điển hình nhất là nhóm cảng biển Đông Nam Bộ. Nơi hàng năm đảm nhận khoảng 45% tổng khối lượng hàng hóa và trên 60% khối lượng hàng container thông qua hệ thống cảng biển Việt Nam. Tuy nhiên, ách tắc ở cảng TP Hồ Chí Minh phần lớn là do hạ tầng giao thông. Bến cảng Cát Lái (TP Hồ Chí Minh), cảng có sản lượng hàng hóa lớn nhất nhưng nằm trong đô thị nên khả năng phát triển bị hạn chế, gây ra nhiều ảnh hưởng nghiêm trọng đến tổ chức giao thông khu vực. Với vai trò là cảng cửa ngõ quốc tế của khu vực phía Nam, cảng Cái Mép-Thị Vải được quy hoạch với công suất 7triệu TEU/năm nhưng thực tế hiện chưa có kết nối đường sắt, kết nối đường bộ cũng chưa được hoàn thiện theo kế hoạch.
- Hệ thống cảng biển Việt Nam chỉ có cảng Hải Phòng được kết nối với dường sắt nhưng không khai thác hiệu quả do ga đường sắt không nằm ở khu vực khai thác chính; cảng Cái Lân đã đầu tư nhưng chưa thể khai thác do thiếu đồng bộ hạ tầng tuyến. Khu bến cảng Lạch Huyện là khu bến cửa ngõ quốc tế của miền Bắc nhưng cũng chưa có đường sắt kết nối, trong khi đường thủy nội địa cũng chưa phát huy hiệu quả. Do đó, hiệu quả trong vận chuyển hàng hóa tới cảng biển chưa được tối ưu hóa về thời gian, chi phí vận tải và dẫn đến sự phân bổ hàng hóa không đồng đều giữa các cảng.
b. Hạ tầng logistics còn bất cập
- Ngoài tiềm năng thu hút hàng trung chuyển quốc tế, Việt Nam còn có cơ hội thu hút phát triển các trung tâm tập kết, phân phối hàng cho khu vực và quốc tế của các tập đoàn, hãng tàu biển lớn. Để khai thác tiềm năng này, việc phát triển cảng biển Việt Nam cần hệ thống hạ tầng và dịch vụ logistics tương xứng như hệ thống cảng cạn, các trung tâm dịch vụ logistics sau cảng,…
- Tuy nhiên, cho đến nay hệ thống cảng cạn mới được quy hoạch; những cảng cạn hiện có (chủ yếu ở khu vực phía Nam) mặc dù đã có những đóng góp tích cực trong thời gian qua nhưng đã bộc lộ nhiều hạn chế về vị trí, quy mô và khả năng kết nối với nguồn hàng, với hệ thống giao thông trong khu vực. Những cảng cạn mới được quy hoạch thì chậm được triển khai xây dựng, chưa đồng bộ về điều kiện hình thành,…dẫn đến vai trò hỗ trợ cho cảng biển chưa thực sự đáp ứng yêu cầu.
- Các trung tâm dịch vụ logistics lớn sau cảng chưa thể hình thành.
c. Quy hoạch phát triển và tổ chức thực hiện quy hoạch phát triển cảng biển còn nhiều tồn tại
- Quy hoạch cảng biển mới chỉ chủ yếu tập trung vào phát triển hạ tầng bến cảng, còn chưa chú trọng đầy đủ và đồng bộ vào các vấn đề phát triển giao thông kết nối, hệ thống hạ tầng và dịch vụ logistics đi kèm. Sự phối hợp thực hiện quy hoạch phát triển giữa các bộ, ngành, địa phương cũng như sự phối hợp giữa quy hoạch phát triển cảng biển với các quy hoạch hạ tầng khác, quy hoạch đất đai, không gian biển,…chưa đồng bộ, nhiều nơi nhiều chỗ còn mang nặng tính cục bộ lợi ích dẫn đến sự phát triển cảng biển ở các vùng miền còn chưa tương xứng với nhu cầu, chưa hợp lý.
- Cơ chế chính sách huy động nguồn lực đầu tư cảng biển, nhất là đối với hạ tầng công cộng cảng biển còn chưa đáp ứng yêu cầu. Thực tế, những năm qua chúng ta chưa có một sự đầu tư đủ lớn để tạo cú hích phát triển kinh tế cảng biển một cách đột phá, tạo sức mạnh cạnh tranh trong khu vực và quốc tế.
Ngoài tác động của các yếu tố an ninh, quốc phòng, cạnh tranh của các nước lớn trong tình hình mới, vấn đề nảy sinh từ triển khai chiến lược biển của các quốc gia như giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu, nước biển dâng, tình hình cạn kiệt nguồn tài nguyên biển, vấn đề rác thải nhựa đại dương, ô nhiễm môi trường biển thì tác động mạnh mẽ của Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 cũng tạo ra cơ hội và thách thức trong phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam.
II. ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN HỆ THỐNG CẢNG BIỂN VIỆT NAM ĐỂ THỰC HIỆN THẮNG LỢI NGHỊ QUYẾT 36-NQ/TW
1. Về quan điểm phát triển
- Tận dụng tối đa lợi thế về vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên để phát triển toàn diện hệ thống cảng biển, đột phá đi thẳng vào hiện đại, nhanh chóng hội nhập với các nước tiên tiến trong khu vực về lĩnh vực cảng biển nhằm góp phần hoàn thành mục tiêu trong Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; từng bước đưa kinh tế hàng hải trở thành mũi nhọn hàng đầu trong các lĩnh vực kinh tế biển gắn với bảo đảm an ninh, quốc phòng.
- Phát triển hợp lý giữa các cảng tổng hợp quốc gia, cảng tổng hợp địa phương, cảng chuyên dùng bảo đảm tính thống nhất trong toàn hệ thống; chú trọng phát triển các cảng có khả năng tiếp nhận tàu biển có trọng tải đến 100.000 tấn hoặc lớn hơn ở cả ba miền Bắc Trung Nam; từng bước củng cố, nâng cấp mở rộng các cảng khác; coi trọng công tác duy tu, bảo trì để bảo đảm khai thác đồng bộ, hiệu quả hệ thống cảng biển.
- Phát triển đồng bộ giữa cảng biển với mạng lưới kết cấu hạ tầng sau cảng, giữa kết cấu hạ tầng cảng biển với kết cấu hạ tầng công cộng kết nói với cảng biển. Đặc biệt chú trọng bảo đảm sự kết nối liên hoàn giữa cảng biển với mạng lưới giao thông quốc gia và hệ thống các cảng cạn, trung tâm phân phối hàng hóa, đầu mối logistics ở khu vực.
- Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển cảng biển với quản lý bảo vệ môi trường, bảo đảm sự phát triển bền vững, gắn liền với yêu cầu bảo đảm an ninh, quốc phòng.
2. Về mục tiêu phát triển
- Phát triển hệ thống cảng biển theo một quy hoạch tổng thể và thống nhất trên quy mô cả nước đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập kinh tế quốc tế; đảm bảo quốc phòng, an ninh và phát triển bền vững; tạo cơ sở vật chất kỹ thuật để nhanh chóng đưa nước ta hội nhập và đủ sức cạnh tranh trong hoạt động cảng biển với các nước trong khu vực và trên thế giới, khẳng định vị trí và ưu thế về kinh tế biển.
- Ưu tiên tập trung vào các cảng biển có tầm quan trọng và vùng hấp dẫn lớn để tạo sức lan tỏa, thúc đẩy mạnh mẽ kinh tế đất nước; bảo đảm đủ năng lực để có thể kết hợp vai trò trung chuyển container quốc tế; các cảng chuyên dùng quy mô lớn cho các liên hợp lọc hóa dầu, trung tâm nhiệt điện, khu kinh tế,…
- Cải tạo nâng cấp các cảng đầu mối hiện có; xây dựng có trọng điểm một số cảng địa phương theo chức năng, quy mô phù hợp với yêu cầu phát triển KT-XH và khả năng huy động vốn. Phát triển cảng tại các huyện đảo lớn phù hợp với quy mô, diện tích để tiếp nhận hàng hóa, hành khách phục vụ phát triển kinh tế biển bảo đảm gắn với quốc phòng, an ninh.
- Phát triển hệ thống cảng biển phải đảm bảo đồng bộ với phát triển hạ tầng kết nối, làm đầu mối kết nối các phương thức vận tải khác nhằm phát huy hiệu quả lợi thế của từng phương thức vận tải, phát triển vận tải đa phương thức và dịch vụ logistics.
III. KIẾN NGHỊ VỀ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU
1. Nâng cao chất lượng công tác lập và tổ chức thực hiện quy hoạch hệ thống cảng biển
- Triển khai lập quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 bảo đảm các quy định của Luật Quy hoạch 2017, gắn kết đồng bộ với quy hoạch xây dựng, quy hoạch chung phát triển KT-XH của các địa phương có hệ thống cảng biển.
- Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện chiến lược, quy hoạch bảo đảm tính công khai, minh bạch và nâng cao tính khả thi của quy hoạch.
2. Hoàn thiện hệ thống chính sách, cơ chế nhằm thu hút đầu tư
- Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống phát luật, cơ chế và chính sách nhằm bảo đảm sự phát triển các cảng biển, đồng thời khắc phục tình trạng đầu tư phân tán, nhỏ lẻ đối với các cảng biển, khu bến cảng trọng điểm, đầu mối khu vực, cửa ngõ quốc tế.
- Tạo cơ chế thông thoáng trong thu hút đầu tư và kinh doanh khai thác, sử dụng cảng biển phù hợp với quá trình hội nhập và thông lệ quốc tế (áp dụng cơ chế cho thuê khai thác đối với kết cấu hạ tầng các bến cảng được xây dựng bằng nguồn ngân sách theo quy định của pháp luật).
3. Tập trung giải quyết vấn đề kết nối hệ thống cảng biển
- Chú trọng tăng cường phát triển hệ thống hạ tầng giao thông kết nối với cảng biển. Đối với các cảng đầu mối khu vực, cảng cửa ngõ quốc tế xây dựng trung tâm phân phối hàng hóa, dịch vụ hậu cảng, kết nối thuận tiện với mạng lưới giao thông quốc gia, hệ thống cảng cạn từng bước tạo thành mạng lưới kết cấu hạ tầng logistics hiện đại. Ưu tiên đầu tư các cảng cạn là các đầu mối tổ chức vận tải đa phương thức và cung cấp dịch vụ logistics, kết nối các phương thức vận tải.
- Đầu tư mở rộng hạ tầng logistics nhằm kết nối các cảng biển của Việt Nam với khu vực. Phát huy vai trò của hệ thống cảng biển Việt Nam là cửa ngõ ra Biển Đông, hành lang vận tải trong khu vực ASEAN, tập trung vào các cảng lớn tại 3 miền.
4. Huy động tối đa mọi nguồn lực đế phát triển cảng biển
- Bố trí nguồn ngân sách tập trung đầu tư cho các hạng mục kết cấu hạ tầng công cộng (luồng tàu, đê chắn sóng,…) kết nối với các cảng biển tổng hợp quan trọng, đầu mối của vùng và khu vực.
- Đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư phát triển kết hợp hạ tầng cảng biển, hạ tầng công cộng kết nối với cảng biển (luồng tàu, đê chắn sóng, ngăn cát, hệ thống đường giao thông…). Khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển cảng biển bằng các hình thức theo quy định của pháp luật; chú trọng áp dụng hình thức đầu tư đối tác công tư PPP đối với các cảng, khu bến phát triển mới có quy mô lớn.
Kết luận
Có thể nhận thấy rằng, với tiềm năng, lợi thế vị trí của các cảng biển, việc xây dựng phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam được coi là trọng điểm, đột phá trong thực hiện thắng lợi các nội dung cơ bản của Nghị quyết số 36 -NQ/TW và đưa lĩnh vực kinh tế hàng hải trở thành lĩnh vực ưu tiên hàng đầu trong phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam. Chỉ như vậy Việt Nam mới có thể trở thành “quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển” như mục tiêu của Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đã đề ra, góp phần quan trọng đưa nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trở thành nước công nghiệp hiện đại, theo định hướng xã hội chủ nghĩa, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, ngày càng phồn vinh, hạnh phúc.
Nguồn: http://vasi.gov.vn/pages/day-manh-phat-trien-he-thong-cang-bien-viet-nam-tr-870d.aspx