Thời điểm này, các đoàn liên ngành từ T.Ư đến cơ sở đang ráo riết kiểm tra an toàn thực phẩm phục vụ Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025. Hàng loạt vi phạm tiếp tục được phanh phui, nhiều cơ sở bị đình chỉ sản xuất, từ cơ sở nhỏ lẻ đến các thương hiệu lớn.

Đặc biệt, tại Hà Nội, nhiều công ty, hộ gia đình sản xuất thực phẩm bị tạm dừng hoạt động, trong đó có cơ sở bánh cốm Nguyên Ninh (11 Hàng Than, quận Ba Đình) gây “chấn động” với người dân.

Nguyên Ninh là thương hiệu được thành lập từ năm 1865, đến thời điểm hiện tại, thương hiệu này đã trải qua 6 thế hệ tiếp nối và hơn 150 năm qua bí kíp làm bánh chỉ được truyền dạy cho con cháu trong nhà. Nhưng quả thật, “mua danh ba vạn, bán danh ba đồng”, chỉ trong chốc lát, người tiêu dùng đồng loạt quay lưng và tẩy chay bánh cốm Nguyên Ninh. Nhiều người từng mua sản phẩm này làm quà cho bạn bè, khách quý đã ngậm ngùi nói lời xin lỗi bởi sự mất an toàn thực phẩm (ATTP). Một thương hiệu lớn, ngay giữa lòng Thủ đô, mà đến tân bây giờ, những vi phạm mới bị phanh phui khi đoàn liên ngành TP đến kiểm tra đột xuất.

Có thể nói, vấn đề mất ATTP vẫn luôn nóng ở mọi nơi, mọi lúc và được đề cập, chất vấn trên nhiều diễn đàn và cả trong nghị trường Quốc hội. Ở đó, đầy ắp những bức xúc, lo lắng của người dân, những băn khoăn của các ngành chức năng. Dù mâm cơm người Việt có nhiều bộ, ngành quản lý nhưng thực phẩm bẩn vẫn hoành hành. Mỗi năm, ngành chức năng phát hiện hàng chục nghìn cơ sở vi phạm, hàng trăm vụ ngộ độc thực phẩm, hàng nghìn người nhập viện, không ít trong số đó bị tử vong. Chỉ trong năm 2024, số cơ sở bị phát hiện vi phạm ATTP tăng gấp 3 lần so với năm ngoái là 22.073 cơ sở vi phạm, chiếm 6,22% số cơ sở được kiểm tra. Số cơ sở bị phạt tiền tăng 2,9 lần, số tiền phạt tăng 1,69 lần. Cũng trong năm 2024, ngành chức năng đã khởi tố 62 vụ (tăng gần 88%) với 97 bị can (tăng hơn 185%). Đây là những con số báo động tình trạng gia tăng vi phạm ATTP là nguy cơ gây ngộ độc, ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe cộng đồng.

Nhưng con số tử vong và số vụ ngộ độc được thống kê mỗi năm chỉ là bề nổi của tảng băng chìm, những căn bệnh mãn tính, những cái chết từ từ bởi bệnh ung thư mới chính là kẻ sát nhân thầm lặng. Theo thống kê, tại Việt Nam có trên 183.000 ca mới mắc ung thư mỗi năm, trên 122.000 ca tử vong do căn bệnh này. Hiện cả nước có khoảng 354.000 người đang sống chung với ung thư. Thực phẩm bẩn được cho là một trong những nguyên nhân dẫn tới tỷ lệ người bị ung thư tăng mạnh bởi việc lạm dụng hóa chất trong nuôi trồng, chế biến, bảo quản thực phẩm.

Có chuyên gia y tế từng lên tiếng: “Cái chết đang rình rập trên từng mâm cơm gia đình, thậm chí ngay trong từng bữa ăn của trẻ nhỏ”. Những vụ ngộ độc, tử vong và những cái chết từ từ bởi căn bệnh ung thư không chỉ là chuyện của riêng ai mà là của toàn xã hội. Thực phẩm bẩn không chỉ đe dọa đến sức khỏe của người dân, mất ATTP còn ảnh hưởng đến giống nòi người Việt, đến nỗ lực bảo đảm an sinh xã hội của Chính phủ, đe dọa sự phát triển của nền kinh tế nước nhà.

Luật pháp Việt Nam có quy định rõ ràng về các hành vi vi phạm ATTP của người kinh doanh ăn uống. Tuy nhiên, nếu như ở các nước trên thế giới, hành vi vi phạm ATTP được xử lý rất nghiêm, nhưng tại Việt Nam, mức phạt dường như vẫn chưa đủ sức răn đe. Nhiều ý kiến cho rằng, cần xử lý thật mạnh tay và truy cứu trách nhiệm trước pháp luật với các đối tượng xem thường sức khỏe, tính mạng của người dân với hình phạt nghiêm minh, đủ sức răn đe.

Nguồn: BAOMOI, Tác giả Nhật Uyên

Ý KIẾN BẠN ĐỌC