- 03/03/2022
- 1367 lượt xem
- Tin tức
Lưu ý về tự chứng nhận xuất xứ trong ATIGA, CPTPP và EVFTA Hiện nay, Việt Nam đang tham gia...
Lưu ý về tự chứng nhận xuất xứ trong ATIGA, CPTPP và EVFTA
Hiện nay, Việt Nam đang tham gia đàm phán rất nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà trong đó có yêu cầu áp dụng cơ chế tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa. Theo cơ chế này, trách nhiệm chứng nhận nguồn gốc của hàng hóa sẽ chuyển từ các cơ quan chuyên trách sang doanh nghiệp (hoặc nhà nhập khẩu). Tức là doanh nghiệp (hoặc nhà nhập khẩu) sẽ tự thực hiện các thủ tục và đáp ứng điều kiện để tuyên bố hàng hóa đáp ứng các tiêu chuẩn về nguồn gốc xuất xứ và tự chịu trách nhiệm về tính chính xác của tuyên bố đó. Việt Nam đang tham gia áp dụng cơ chế tự chứng nhận xuất xứ trong ba Hiệp định thương mại tự do là ATIGA, CPTPP và EVFTA, trong đó CPTPP, EVFTA là các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.
Công chức Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Thanh Hóa (Hải quan Thanh Hóa) hướng dẫn DN tra cứu thông tin. Ảnh: N.Linh
3 Hiệp định này có sự khác biệt về cơ chế tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa.
Hiệp định ATIGA áp dụng cơ chế tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa đối với doanh nghiệp được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép, có nghĩa là chỉ các doanh nghiệp được cấp phép mới được tự chứng minh nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa do chính doanh nghiệp sản xuất ra và chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc tự chứng nhận đó. Danh sách các doanh nghiệp này được các nước ASEAN cập nhật trên trang điện tử của ASEAN và cơ quan Hải quan sẽ căn cứ thông tin về doanh nghiệp trên trang web này để kiểm tra, xác định đối tượng được tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa.
Hiệp định CPTPP áp dụng cơ chế tự chứng nhận xuất xứ cho doanh nghiệp xuất khẩu, có nghĩa là các doanh nghiệp xuất khẩu đều được tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa trên chứng từ thương mại của mình. Tại Hiệp định quy định cụ thể về các thông tin tối thiểu cần phải thể hiện trên chứng từ tự chứng nhận xuất xứ. Cơ quan Hải quan kiểm tra căn cứ thông tin trên chứng từ tự chứng nhận xuất xứ và hồ sơ hải quan để kiểm tra, xác định xuất xứ hàng hóa xuất khẩu.
Hiệp định CPTPP có hiệu lực thực hiện từ 14/1/2019. Khi thực hiện Hiệp định này, Việt Nam không bắt buộc phải áp dụng ngay cơ chế tự chứng nhận xuất xứ tại thời điểm Hiệp định có hiệu lực mà theo lộ trình nhất định. Theo đó, Việt Nam được bảo lưu chưa áp dụng hình thức này trong thời hạn tối đa 12 năm kể từ ngày Hiệp định có hiệu lực. Do vậy, hiện nay hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam vào các nước CPTPP đang được Bộ Công Thương cấp C/O mẫu CPTPP.
Về Hiệp định EVFTA áp dụng cơ chế tự chứng nhận xuất xứ đối với doanh nghiệp xuất khẩuđược cấp mã số REX, có nghĩa là doanh nghiệp có mã số REX sẽ được tự chứng nhận xuất xứ cho hàng hóa của mình trên chứng từ thương mại. Cơ quan Hải quan căn cứ mã số REX của doanh nghiệp, kiểm tra trên trang điện tử của EU và hồ sơ hải quan để xác định xuất xứ hàng hóa.
Đối với hàng hóa của Việt Nam khi xuất khẩu vào EU áp dụng như sau: Đối với các lô hàng từ Việt Nam xuất khẩu vào EU có giá trị không quá 6.000 Euro thì bất kỳ nhà xuất khẩu nào cũng được phép tự chứng nhận xuất xứ. Sau đó, thương nhân có trách nhiệm báo cáo, đăng tải chứng từ tự chứng nhận xuất xứ và chứng từ liên quan đến lô hàng xuất khẩu lên trang web: www.ecosys.gov.vn. Đối với các lô hàng xuất khẩu có trị giá trên 6.000 Euro, nhà xuất khẩu phải có C/O mẫu EUR.1 do cơ quan, tổ chức được Bộ Công Thương ủy quyền cấp. Quá trình khai báo và chứng nhận C/O mẫu EUR.1 được thực hiện tương tự như các mẫu C/O hiện hành.
Hiện tại, đối với hàng hóa xuất khẩu, Việt Nam mới chỉ áp dụng tự chứng nhận xuất xứ trong Hiệp định ATIGA. Hai Hiệp định thương mại thế hệ mới là CPTPP và EVFTA, Việt Nam vẫn áp dụng cơ chế cấp C/O thông thường. Khi thực hiện cơ chế tự chứng nhận xuất xứ Hiệp định ATIGA, hiện tại chỉ có 4 doanh nghiệp Việt Nam được cấp phép tự chứng nhận xuất xứ gồm: Công ty CP sữa Vinamilk, Công ty TNHH Nestle Việt Nam, Công ty TNHH Sài Gòn Precision, Công ty TNHH Procter & Gamble Đông Dương.
Số lượng doanh nghiệp xuất khẩu được cấp phép tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa còn hạn chế có thể do quy định điều kiện, tiêu chí cấp còn chặt chẽ hoặc doanh nghiệp chưa nhận thức được ưu thế, lợi ích của việc cấp phép tự chứng nhận xuất xứ. Do vậy, công tác tuyên truyền phổ biến các quy định này cần được đẩy mạnh thường xuyên, liên tục hơn nữa nhằm giúp doanh nghiệp nhận thức được các ưu điểm, lợi thế của việc được cấp phép tự chứng nhận xuất xứ trong ATIGA để triển khai thực hiện.
Tiềm ẩn nguy cơ gian lận
Việc doanh nghiệp áp dụng cơ chế tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa có rất nhiều ưu điểm và mang lại nhiều lợi ích. Tuy nhiên, mối lo ngại về tình trạng gian lận, giả mạo xuất xứ vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ có thể xảy ra. Nếu cơ chế cấp C/O truyền thống quy định doanh nghiệp phải nộp hồ sơ cho cơ quan có thẩm quyền để được xem xét, cấp C/O cho hàng hóa xuất khẩu thì cơ chế tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa cho phép doanh nghiệp tự khai tự chịu trách nhiệm về xuất xứ hàng hóa.
Áp dụng cơ chế tự chứng nhận xuất xứ, thay vì hàng hóa xuất khẩu sẽ được cơ quan có thẩm quyền của nước xuất khẩu kiểm tra, xác định xuất xứ hàng hóa thì doanh nghiệp chủ động tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa trên chứng từ thương mại. Theo đó, rủi ro gian lận, giả mạo xuất xứ hàng hóa sẽ nhiều hơn so với cơ chế cấp C/O truyền thống (cấp C/O giấy theo phom mẫu quy định). Cơ quan Hải quan sẽ thực hiện kiểm tra, xác định xuất xứ hàng hóa căn cứ theo các thông tin mà doanh nghiệp cung cấp.
Để ngăn chặn tình trạng gian lận, giả mạo xuất xứ hàng hóa, cơ quan Hải quan phải thay đổi phương thức quản lý so với cách thức kiểm tra C/O truyền thống, chủ yếu chuyển từ “tiền kiểm” sang “hậu kiểm” để không làm tăng thời gian kiểm tra hồ sơ hải quan, kéo dài thời gian thông quan mà vẫn đảm bảo hiệu quả quản lý. Bên cạnh đó, cơ quan Hải quan áp dụng đồng bộ nhiều biện pháp nghiệp vụ như kiểm tra, điều tra, xác minh làm rõ đối với các trường hợp gian lận, giả mạo xuất xứ.
Nguồn: https://congthuong.vn/diem-khac-biet-ve-co-che-tu-chung-nhan-xuat-xu-cua-cac-fta-the-he-moi-153542.html
Ý KIẾN BẠN ĐỌC