- 03/03/2022
- 1544 lượt xem
- Chuyện đời
Dự án cấp căn cước công dân gắn chíp điện tử được Bộ Công an thực hiện đồng bộ cùng...
Dự án cấp căn cước công dân gắn chíp điện tử được Bộ Công an thực hiện đồng bộ cùng dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Đây là dữ liệu gốc, làm nền tảng cho xây dựng Chính phủ điện tử, để hướng đến một hệ thống dùng chung cho các ngành, lĩnh vực, chính quyền các cấp cũng như người dân, doanh nghiệp.
Thông tin đưa vào cơ sở dữ liệu phải đầy đủ, chính xác và được bổ sung, cập nhật thường xuyên. Bộ Công an đã ban hành các quy trình, quy chế cụ thể, gắn với trách nhiệm của từng cấp Công an trong công tác này; chỉ đạo các lực lượng ở cơ sở (Cảnh sát khu vực, Công an xã) "đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng trường hợp" để cập nhật, bổ sung thông tin, bảo đảm thông tin dân cư "đúng, đủ, sạch, sống."
Công an TPHCM đến tận nhà làm CCCD gắn chíp điện tử cho các trường hợp đi lại khó khăn, neo đơn. Ảnh: Đức Nam
Điều chỉnh, làm sạch thông tin dân cư
Thực tiễn trong hàng chục năm qua, các loại thông tin khác nhau về công dân được các bộ, ngành thu thập, lưu trữ, bảo quản và khai thác theo các hệ thống thông tin chuyên ngành khác nhau, nhằm phục vụ cho mục đích quản lý hành chính của từng tổ chức.
Với đặc thù quản lý dân cư trước đây là thủ công, chưa có sự kết nối, chia sẻ, trao đổi, nên thông tin thu thập dữ liệu công dân trong thời gian qua đã phát hiện nhiều tồn tại, thiếu sót cả về công tác quản lý và thông tin khai báo của người dân.
Qua quá trình triển khai Dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Công an các đơn vị, địa phương còn thực hiện rà soát, điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện thông tin dân cư qua các loại giấy tờ sổ hộ khẩu, chứng minh nhân dân, bảo hiểm xã hội, các giấy tờ khác của công dân...
Là một tỉnh vùng núi phía Bắc với nhiều đồng bào dân tộc cùng sinh sống, Công an tỉnh Lào Cai không chỉ làm tốt công tác thu thập thông tin dân cư, cấp căn cước công dân, mà qua đó đã rà soát, điều chỉnh thông tin nhân khẩu chuẩn cho hàng nghìn người dân.
Đơn cử như trường hợp của ông N.Q.O. (phường Kim Tân, thành phố Lào Cai) đi bộ đội từ ngày 7/4/1975 đến năm 1980 phục viên về địa phương. Do bị thất lạc giấy tờ, ông chưa nhập được khẩu về với gia đình, không có giấy tờ tùy thân.
Qua quá trình thu thập thông tin dân cư, Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an tỉnh Lào Cai đã kiểm tra, xác minh hồ sơ của ông N.Q.O. tại các đơn vị quân đội nơi ông từng công tác; làm việc với các đồng đội cùng nhập ngũ và công tác trong quân đội với ông N.Q.O.
Từ quá trình xác minh, đủ căn cứ, sau 39 năm không có giấy tờ tùy thân, Công an thành phố Lào Cai đã nhập khẩu cho ông N.Q.O. Hiện tại, ông O. đã được các cơ quan cấp chứng minh thư, bảo hiểm y tế, giấy khai sinh, đăng ký kết hôn.
Cảm kích, trong thư cảm ơn gửi lực lượng Công an, ông N.Q.O viết: "Trong thâm tâm, tôi cảm thấy vui mừng không kể xiết, không diễn tả bằng lời nói. Từ lúc được cầm căn cước công dân mang tên mình, tôi như được sinh ra thêm một lần nữa. Tôi xin gửi lời cảm ơn chân thành và sâu sắc đến Ban Giám đốc Công an tỉnh Lào Cai, các đồng chí thuộc Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính."
Trường hợp bà H.T.A (bản Khuổi Phường, xã Vĩnh Yên, huyện Bảo Yên) có đến 4 năm sinh khác nhau trong các loại giấy tờ. Dựa vào kết quả kiểm tra, xác minh, Công an tỉnh đã xác định được sinh năm 1934 là phù hợp với các giấy tờ, tài liệu gốc.
Công an tỉnh hướng dẫn thủ tục điều chỉnh, thống nhất thông tin trong các loại giấy tờ cho bà H.T.A; đồng thời đề nghị Ủy ban Nhân dân huyện Bảo Yên cải chính thông tin về ngày, tháng, năm sinh trong giấy khai sinh cho bà.
Qua công tác thu thập thông tin dân cư, lực lượng công an đã phát hiện nhiều trường hợp truy nã, hoặc cấp khống chứng minh thư, hộ khẩu... để có biện pháp xử lý nghiêm theo đúng quy định pháp luật.
Một vụ việc điển hình, theo báo cáo của Công an tỉnh Lào Cai, trong quá trình thu thập thông tin dân cư, Công an tỉnh Lào Cai phát hiện ông Bùi Thanh Nhập, nguyên Phó trưởng Công an xã Sơn Hải nhập khống hộ khẩu cho Mạc Thị Thu Huyền (sinh ngày 25/8/1984) vào một hộ gia đình tại thôn Tân Lập, xã Sơn Hải, huyện Bảo Thắng.
Trong quá trình rà soát thông tin, lực lượng Công an phát hiện Mạc Thị Thu Huyền trùng khớp vân tay, ảnh với Mạc Thị Vân (sinh ngày 25/8/1974), là đối tượng bị Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an thành phố Hải Phòng khởi tố về hành vi cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Phòng Cảnh sát Quản lý trật tự hành chính về trật tự xã hội đã tham mưu lãnh đạo Công an tỉnh chỉ đạo Công an huyện Bảo Thắng lập hồ sơ, ra quyết định hủy bỏ kết quả đăng ký thường trú trái pháp luật của Công an xã Sơn Hải cho Mạc Thị Thu Huyền. Vì sai phạm này, ông Bùi Thanh Nhập bị buộc thôi việc, Mạc Thị Thu Huyền (Mạc Thị Vân) đã bị cơ quan Công an bắt giam.
Cũng trong quá trình thực hiện hai dự án, lực lượng công an đã tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc, nhất là thông tin, dữ liệu dân cư trong các vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Là người nhiều kinh nghiệm trong công tác quản lý dân cư ở huyện giáp biên, Thiếu tá Nguyễn Trọng Tạo (Phó đội trưởng Đội Quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an huyện Mường Nhé, Điện Biên chia sẻ khi bắt tay vào thu thập dữ liệu quốc gia về dân cư và bây giờ là cấp căn cước công dân, mới thực sự thấy rõ nhiều khó khăn, hạn chế khi triển khai ở vùng cao.
Đơn giản nhất là thông tin ngày, tháng, năm sinh khi thu thập gặp khó vì nhiều bà con không có hoặc không giữ được giấy khai sinh, hoặc nội dung khai không đúng với thực tế. Nhiều bà mẹ sinh con một thời gian dài mới đi làm giấy khai sinh nên ngày, tháng sinh con không còn chính xác.
Có những hộ, anh, chị, em cùng bố cùng mẹ nhưng em lại hơn cả tuổi anh, chị... Tất cả những tình huống này, lực lượng Công an đều phải cất công đi điều tra lý lịch để cải chính, phối hợp để rà soát, đảm bảo thu thập được thông tin gốc chuẩn xác.
Công an TPHCM trao trả CCCD gắn chíp điện tử tận nhà cho người dân. Ảnh: Đức Nam
Đột phá về đơn giản thủ tục hành chính
Đến nay, lực lượng công an đã cơ bản hoàn thành việc thu thập, cập nhật, bổ sung thông tin dân cư và nhập liệu vào hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Việc thu thập, tập hợp đầy đủ, chính xác thông tin của công dân Việt Nam để xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã khó, việc duy trì bổ sung, cập nhật thường xuyên những biến động hằng ngày, hằng giờ của thông tin dân cư còn khó khăn hơn rất nhiều, nhất là trong điều kiện dân cư đa dạng và thường xuyên biến động như hiện nay.
Nếu hình dung việc xây dựng, hoàn thiện Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư giống như việc hoàn thiện một bức tranh lớn về dân cư, thì mỗi điểm ảnh trong đó là một bức chân dung về từng công dân. Nhưng một đặc tính của dân cư đó là sự biến động.
Thượng tá Tô Anh Dũng, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an cho rằng, mỗi bức tranh, mỗi một bức ảnh dưới cái nhìn của công nghệ kỹ thuật số được tạo bởi hàng nghìn, hàng vạn điểm ảnh.
Các điểm ảnh này không cố định mà luôn luôn thay đổi, đó chính là thông tin của công dân. Do vậy, nhiệm vụ của lực lượng chức năng là giữ bức tranh này luôn "sống." Đây là yếu tố quyết định để đánh giá sự thành công trong việc xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Điều này đòi hỏi nguồn nhân lực rất lớn trên phạm vi rộng: 63 tỉnh, thành phố; hơn 700 quận, huyện và gần 11.000 xã, phường, thị trấn trong toàn quốc, đồng thời có các quy trình cụ thể, khoa học để kiểm soát những biến động này.
Bộ Công an đã tăng cường gần 45.000 Công an chính quy xuống xã, đồng thời ban hành các quy định cụ thể để duy trì thường xuyên việc bổ sung, cập nhật thông tin dân cư. Đây chính là lực lượng góp phần tạo ra kỳ tích trong xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư cũng như việc cấp căn cước công dân.
Thượng tá Tô Anh Dũng cho biết bên cạnh những đột phá về đơn giản thủ tục hành chính, giảm lượng giấy tờ, tiết kiệm thời gian, việc xây dựng thành công Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư tại Việt Nam sẽ mang lại một luồng sinh khí mới trong các hoạt động quản lý nhà nước cũng như trên mọi mặt của đời sống xã hội.
Trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, bản đồ số được coi là "bộ não" của hệ thống. Thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là thông tin đã được chuẩn hóa đến từng cá nhân và được bổ sung, cập nhật thường xuyên hằng ngày, hằng giờ nên bảo đảm độ chính xác cao.
Những biến động về dân cư trên các khu vực, địa bàn, vùng, miền cũng được phân tích, đánh giá và dự báo (ví dụ: công dân trong độ tuổi lao động; công dân trong độ tuổi nghĩa vụ quân sự…). Từ đó sẽ cung cấp thông tin chính xác cho việc xây dựng các chiến lược, chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội trên phạm vi cả nước cũng như theo từng lĩnh vực, địa bàn.
Nguồn: https://congan.com.vn/tin-chinh/co-so-du-lieu-quoc-gia-dan-cu-va-cccd-gan-chip-nen-tang-xay-dung-chinh-phu-dien-tu_125042.html
Ý KIẾN BẠN ĐỌC