- 03/03/2022
- 1571 lượt xem
- Chuyện đời
Ngày 22/6/2021, là dấu mốc lịch sử của chiến dịch thần tốc, quyết liệt và hiệu quả khi Bộ Công...
Ngày 22/6/2021, là dấu mốc lịch sử của chiến dịch thần tốc, quyết liệt và hiệu quả khi Bộ Công an công bố vận hành chính thức hệ thống CSDLQGVDC và hệ thống Sản xuất, cấp và quản lý CCCD từ ngày 01/7/2021. Kết quả đó được hun đúc từ sự chỉ đạo quyết liệt, sự nhận thức đúng đắn, sự đột phá, sự tính toán thấu đáo các nguồn lực, sức mạnh và đặt lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích của nhân dân lên trên hết.
Đó cũng là kết quả thấm đẫm những giọt mồ hôi, nhiều đêm dài không ngủ của lực lượng Công an địa phương trên cả nước với nỗ lực đưa chiến dịch thẳng tiến về đích. Mỗi cán bộ, chiến sỹ Công an là một ngôi sao sáng vì nước, vì dân nhưng cũng vô cùng thầm lặng và cống hiến.
Khó khăn và thử thách
Dự án có quy mô lớn, phạm vi rộng
Việc triển khai xây dựng CSDLQGVDC và sản xuất, cấp và quản lý CCCD gắn chip là bài toán khó với nhiều yêu cầu khắt khe về chất lượng, công nghệ kỹ thuật, an toàn bảo mật thông tin, trong khi đó khối lượng công việc “khổng lồ” cùng với sức ép về tiến độ phải hoàn thành mục tiêu đặt ra trước ngày 01/7/2021 khi Luật Cư trú có hiệu lực.
Đây là hai dự án công nghệ thông tin loại A, tầm cỡ quốc gia, chưa từng có tiền lệ với nhiều hạng mục công việc lớn, đòi hỏi đầu tư nhiều công sức, trí tuệ, nguồn lực của các đơn vị, địa phương. Dự án được thực hiện trên phạm vi rộng từ các cơ quan Trung ương đến 63 tỉnh, thành phố; hơn 700 quận, huyện, thị xã, thành phố và gần 11.000 xã, phường, thị trấn trong toàn quốc.
Tại nhiều khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, sông nước… là nơi tập trung sinh sống của nhiều đồng bào dân tộc, với phong tục, tập quán thói quen khác nhau, kinh tế chưa phát triển, giao thông đi lại còn khó khăn. Có những xã khó triển khai đường truyền kết nối, thậm chí có nơi phải đi đến 2 hoặc 3 ngày đường mới đến được trung tâm huyện.
Công việc lớn, tiến độ gấp, quân số không đổi
Một bài toán nan giải đó là phải bố trí, giải quyết khối lượng công việc khổng lồ của hai dự án trong thời gian ngắn với điều kiện biên chế không thay đổi; các đơn vị trực tiếp thực hiện không thể bổ sung kịp thời quân số để đảm bảo việc thu thập, cập nhật thông tin dân cư, cũng như tiếp nhận hồ sơ đăng ký làm thẻ CCCD mới từ người dân. Những cán bộ, chiến sỹ tại cơ sở phải căng mình thực hiện “nhiệm vụ kép”, vừa đảm bảo hoàn thành công việc chuyên môn, vừa tham gia chiến dịch với cường độ cao nhất để đảm bảo tiến độ. Đặc biệt, vẫn phải thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh, an toàn cho nhiều sự kiện chính trị, kinh tế, văn hóa lớn của đất nước như: Kỳ hợp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, Hội nghị cấp cao ASEAN 2020; bảo vệ Đại hội Đảng các cấp và Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII; bầu cử Quốc hội khóa XIV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026; bảo vệ Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 và các sự kiện khác.
Công an tỉnh Quảng Trị đến nhà riêng cấp căn cước công dân cho người cao tuổi.
Triển khai dự án trong giai đoạn lịch sử của đất nước
Gần 2 năm triển khai, thực hiện dự án là quãng thời gian dịch bệnh bùng phát, nhiều biến động bất ngờ trên phạm vi toàn cầu. Trong đó, nhiều tháng liền, nước ta đặt trong trạng thái “phong tỏa”, “cách ly”, “giãn cách”. Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp đã gia tăng ảnh hưởng lớn đến tiến độ thu thập dữ liệu, sản xuất CCCD, nhập nguyên liệu, phương tiện phục vụ hai dự án. Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu, thiên tai, bão lũ xảy ra ở các tỉnh miền Trung gây thiệt hại lớn về người, tài sản; gây hỏng các trang thiết bị, cơ sở vật chất, đường truyền, chia sẻ nguồn nhân lực của các địa phương khắc phục hậu quả thiên tai đã ảnh hưởng đến việc thực hiện các hạng mục công việc của hai dự án.
Các luận điệu xuyên tạc, âm mưu chống phá luôn “rình rập”
Bằng nhiều hình thức khác nhau và trên môi trường mạng internet, các thế lực thù địch lợi dụng xuyên tạc, chống phá chủ trương cấp thẻ CCCD có gắn chíp điện tử. Với những suy đoán vô căn cứ, chúng đưa ra các thông tin sai sự thật như cấp thẻ CCCD gắn chip để theo dõi, định vị người dân. Một số tài khoản mạng xã hội thì cho rằng, gắn chip điện tử vào CCCD là vi phạm nhân quyền, xâm phạm sự riêng tư của cá nhân… nhằm cản trở quá trình triển khai thực hiện hai dự án trọng điểm này.
Biến khó khăn, thách thức thành động lực
Với sự sáng suốt, nhạy bén trong chủ trương, quyết liệt trong hành động, thời điểm bắt đầu triển khai hai dự án, Bộ Công an đã xây dựng kế hoạch thực hiện với các mốc thời gian cụ thể. Xuyên suốt quá trình thực hiện, Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ Công an, trực tiếp là Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an làm Trưởng Ban Chỉ đạo đã khẳng định sâu sắc “đạo làm tướng” và tư duy, bản lĩnh của người đứng đầu, năng động, đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung; quyết liệt, sâu sát, bản lĩnh, và đột phá trong công tác chỉ đạo, cụ thể hóa bằng những mệnh lệnh, quy định, quy trình, quy chế để tổ chức thực hiện thống nhất, gắn với kiểm tra, đôn đốc quyết liệt từ địa bàn cơ sở.
Cán bộ Công an huyện Yên Thủy, tỉnh Hòa Bình vượt trở ngại, mang phương tiện, thiết bị kỹ thuật qua cầu treo vào bản làm căn cước công dân cho người dân.
Trong hơn 1 năm hoạt động, Ban Chỉ đạo của Bộ Công an đã tổ chức hàng trăm phiên họp toàn thể, các hội nghị trực tuyến với Công an các địa phương, hội nghị với các cụm, địa bàn và các địa phương trọng điểm và họp giao ban liên tục vào thứ bảy hàng tuần để kiểm điểm công việc của 2 dự án. Mỗi nhiệm vụ, mỗi hành động thực hiện dự án đều gắn với trách nhiệm của cấp ủy, lãnh đạo, đặc biệt là người đứng đầu Công an các đơn vị, địa phương. Lãnh đạo Bộ Công an và Công an các địa phương đã sâu sát kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo thực hiện quyết liệt đến tận cấp xã để tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc phát sinh.
Để có hành lang pháp lý đồng bộ thuận lợi cho quá trình triển xây dựng và vận hành hệ thống CSDLQGVDC và hệ thống Sản xuất, cấp, quản lý CCCD, Bộ công an đã rà soát, xây dựng, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật liên quan. Trong đó, có 5 Luật, 2 Nghị định, 12 Thông tư cần sửa đổi; đã xây dựng, đề xuất Quốc hội thông qua Luật Cư trú sửa đổi tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV với nhiều nội dung đổi mới quan trọng có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2021.
Công an Hà Nội thức xuyên đêm làm căn cước công dân cho nhân dân.
Trong bộn bề khó khăn, nhất là khó khăn về biên chế, Bộ Công an đã có bước đi “táo bạo”, thể hiện tầm nhìn xa trông rộng, gắn việc xây dựng 2 dự án với thế trận toàn dân bảo đảm an ninh trật tự trên phạm vi toàn quốc, trong đó phải kể đến nhiều quyết sách chiến lược trong bố trí nguồn nhân lực thực hiện 2 dự án, gắn với điều chỉnh, bố trí lực lượng tại 4 cấp Công an, đặc biệt là đã bố trí Công an xã chính quy tại 100% xã, thị trấn. Gần 45.000 cán bộ, chiến sĩ (bảo đảm trung bình mỗi xã 5 đồng chí) địa bàn bố trí tại 100% các xã là nguồn nhân lực vô cùng quan trọng bảo đảm thu thập, cập nhật thông tin dân cư hàng ngày, đảm bảo được dữ liệu dân cư luôn “đúng, đủ, sạch, sống”.
Xác định một trong những vấn đề có tính nguyên tắc bảo đảm xây dựng thành công CSDLQGVDC là thông tin dân cư bảo đảm đầy đủ, chính xác và được bổ sung, cập nhật thường xuyên hàng ngày. Đây là nhiệm vụ hết sức khó khăn trong điều kiện đặc điểm của dân số nước ta đa dạng về thành phần dân tộc và phân bố không đồng đều giữa các vùng miền. Bộ Công an đã rà soát, sửa đổi, ban hành các quy trình thu thập thông tin dân cư cụ thể, gắn với trách nhiệm của từng cấp Công an, bảo đảm thu thập đầy đủ, chính xác thông tin của công dân.
Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công an, lực lượng Công an ở cơ sở trên toàn quốc (nhất là Cảnh sát khu vực, Công an xã) đã tiến hành khai thác, đối chiếu các loại hồ sơ, tàng thư, đồng thời “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng trường hợp” để thu thập, cập nhật, bổ sung thông tin, bảo đảm thông tin dân cư “đúng, đủ, sạch, sống” trước khi đưa vào cơ sở dữ liệu.
Đối với chiến dịch cấp CCCD, Bộ Công an đã tổ chức Hội nghị và có các văn bản chỉ đạo để thống nhất nhận thức thực hiện trong toàn quốc, giao chỉ tiêu cụ thể cho từng địa phương gắn với tận dụng tối đa số lượng máy móc, thiết bị được trang cấp. Trong đó tập trung thực hiện điểm tại 10 địa phương trọng điểm có đông dân cư, nhiều tạm trú (Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Đồng Nai, Bình Dương, Thanh Hóa, Nghệ An, Bắc Ninh).
Tính toán phương tiện, thiết bị phục vụ thu nhận hồ sơ cấp thẻ Căn cước có hạn (nếu trang cấp nhiều phương tiện thì sau chiến dịch sẽ dẫn đến lãng phí), Bộ Công an đã chỉ đạo Công an các địa phương nghiên cứu những cách làm sáng tạo vừa đảm bảo tiến độ thu nhận hồ sơ cấp thẻ CCCD, vừa đảm bảo an toàn chống dịch cho cả người dân đến làm CCCD và cán bộ làm nhiệm vụ.
Tại Hà Nội, một số quận triển khai mô hình cấp CCCD lưu động bằng cách chuyển đổi những xe buýt chở khách thành xe “đặc chủng” rất linh hoạt và cơ động đến các điểm phục vụ người dân làm thủ tục cấp CCCD. Tại TP. Hồ Chí Minh, nhiều quận, huyện đã sử dụng mạng xã hội Zalo để tuyên truyền và gửi thông báo các thông tin cần thiết như thời gian, địa điểm lưu động tiếp nhận làm CCCD tới người dân nhanh chóng. Nhiều địa phương cũng có những cách làm sáng tạo, tùy theo tình hình thực tế để bố trí nhân lực, trang thiết bị đến các điểm CCCD tránh ùn tắc do tập trung đông dân, đồng thời cấp số thứ tự và khung giờ tương ứng cho người dân để hạn chế việc tập trung đông người…
Công an thành phố Hải Phòng tận tình hỗ trợ người già, người khuyết tật làm căn cước công dân.
Lực lượng CAND toàn quốc đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, vào cuộc quyết liệt trong thực hiện, tạo nên không khí thi đua sôi nổi trong toàn lực lượng. Với tinh thần “hết việc chứ không hết giờ, người dân còn đến còn làm việc”, các chiến sỹ Công an đã “biến thách thức thành động lực”, gác lại mọi công việc cá nhân, luôn giữ trong mình năng lượng, nhiệt huyết, hoàn thành nhiệm vụ được giao, thể hiện bản lĩnh của người CAND vì nước quên thân, vì dân phục vụ. Các tổ thu nhận hồ sơ cấp Căn cước cố định, lưu động làm việc không kể ngày nghỉ, ngày lễ với phương châm “gần làm đêm, xa làm ngày; dễ làm trước, khó làm sau; tập trung trước, phân tán sau”. Sự tận tụy, trách nhiệm, nhiệt tình của những người chiến sỹ Công an đã lay động đến trái tim của người dân, tạo sự lan tỏa, được nhân dân đồng tình ủng hộ, khen ngợi, đánh giá cao.
“Trái ngọt” từ những nỗ lực không ngừng
Với những nỗ lực của cả hệ thống chính trị và sự chung tay, giúp sức của đông đảo quần chúng nhân dân, lực lượng CAND toàn quốc đã chiến thắng trong chiến dịch đầy gian nan, thử thách này, tạo nên những chiến công hiển hách, xứng đáng được Đảng, Nhà nước và nhân dân vinh danh. Đến nay, Bộ Công an đã cơ bản hoàn thành theo tiến độ xây dựng, triển khai hai Dự án. Đã xây dựng được Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư hiện đại, kết nối đường truyền đến tận cấp xã, bảo đảm an ninh, an toàn, theo đúng nguyên tắc đã đề ra là "hiện đại, đồng bộ, bảo mật cao, tránh lãng phí".
Đến thời điểm hiện tại, Công an các địa phương đã thu thập và đồng bộ vào hệ thống CSDLQGVDC hơn 102 triệu phiếu DC01 từ các nguồn thông tin; chỉ đạo Công an các địa phương rà soát, “làm sạch” dữ liệu trên hệ thống phần mềm và củng cố hồ sơ sổ sách; tàng thư hồ sơ hộ khẩu được hơn 98 triệu nhân khẩu. Đồng thời, trên cơ sở dữ liệu dân cư được làm sạch, Bộ Công đã tiến hành cấp đồng loạt số định danh cho công dân trên toàn quốc đang có trên hệ thống, đây là cơ sở quan trọng để xác lập danh tính điện tử của công dân, góp phần thực hiện chuyển đổi số quốc gia. Đối với chiến dịch cấp CCCD , Bộ Công an đã hoàn thành thu nhận khoảng 63 triệu hồ sơ CCCD, in và trả trên 50 triệu thẻ CCCD cho người dân.
Những kết quả đạt được đã được khai thác, phát huy hiệu quả ngay vào đời sống người dân cũng như công tác phòng, chống dịch bệnh. Những thẻ CCCD mới này được tích hợp nhiều thông tin như: Thông tin cá nhân, bảo hiểm y tế, giấy phép lái xe… Đặc biệt, nhằm “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”, Bộ Công an đã kết nối CSDLQGVDC với Cơ sở dữ liệu về tiêm chủng, xét nghiệm, quản lý người nhiễm COVID-19 để triển khai thống nhất việc ứng dụng mã QR trên thẻ CCCD phục vụ hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh.
Đến nay, Trung tâm CSDLQGVDC đã sẵn sàng kết nối với các bộ, ban, ngành và địa phương phục vụ giải quyết thủ tục hành chính công bảo đảm bảo mật, an ninh, an toàn thông tin mạng theo quy định của pháp luật hiện hành. CSDLQGVDC chia sẻ thông tin về công dân cho cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành và Cổng dịch vụ công quốc gia, cổng dịch vụ công, hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp bộ, cấp tỉnh của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để thực hiện công tác quản lý theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao.
Trung tâm Cơ sở dữ liệu quốc gia đã kết nối thành công, ổn định với Cục Cảnh sát giao thông và Bảo hiểm xã hội Việt Nam để thực hiện các thủ tục hành chính và tra cứu thông tin; kết nối thành công với 21 tỉnh, thành phố sử dụng dịch vụ xác thực thông tin công dân phục vụ giải quyết thủ tục hành chính và dịch vụ công trực tuyến. Hiện Bộ Công an đang tiếp tục phối hợp với các cơ quan liên quan và địa phương để kết nối và bảo đảm cơ chế chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan Nhà nước với nhau và giữa các cơ quan Nhà nước với các đơn vị cung cấp dịch vụ công thiết yếu; phấn đấu cung cấp 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đủ điều kiện ngay trong năm 2022 để phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Lợi ích lâu dài
Việc hoàn thành xây dựng CSDLQGVDC và hệ thống Sản xuất, cấp, quản lý CCCD – những dự án hình mẫu về đầu tư công hiện nay đã, đang và sẽ mang lại nhiều hiệu quả to lớn đối với các cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội, doanh nghiệp và nhân dân, nhất là sẽ tạo sự đổi mới căn bản công tác quản lý nhà nước về dân cư theo hướng hiện đại, góp phần cải cách triệt để các thủ tục hành chính liên quan đến công dân, làm giảm chi phí giấy tờ, thời gian xác minh, đi lại, giảm ngân sách nhà nước khi xây dựng các Cơ sở dữ liệu chuyên ngành và các loại hồ sơ, sổ sách.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng các đại biểu khai trương hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và hệ thống Sản xuất, cấp, quản lý căn cước công dân vào ngày 25/02/2021.
Việc sử dụng thẻ Căn cước có gắn chíp điện tử sẽ thay thế nhiều loại giấy tờ khác để công dân giao dịch với cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, xã hội hoặc các giao dịch hành chính, vừa phòng tránh tình trạng giả mạo giấy tờ, vừa giảm chi phí; chủ động trong việc kiểm soát dữ liệu thông qua các ứng dụng định danh bảo mật được tích hợp trên thẻ, không bị lộ, lọt thông tin cá nhân. Việc sử dụng thẻ Căn cước có gắn chip điện tử với độ bảo mật cao cũng mở ra nhiều cơ hội trong triển khai các dịch vụ liên quan đến xác thực điện tử, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh trật tự, góp phần bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội.
Từ nay đến năm 2025, Bộ Công an sẽ tiếp tục nghiên cứu, phát triển hệ sinh thái CSDLQGVDC có sự chia sẻ, kết nối với các dữ liệu chuyên ngành và triển khai các ứng dụng phục vụ quản lý Nhà nước, phát triển kinh tế - xã hội. Trên cơ sở đó, có thể ứng dụng mạnh mẽ các thành tựu, công nghệ tiên tiến của cuộc cách mạng 4.0 như trí tuệ nhân tạo… để phục vụ xây dựng Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, công dân số vào năm 2030.
Từ những bài học kinh nghiệm, thiết thực được rút ra trong quá trình triển khai hai dự án, trong thời gian tới, Bộ Công an sẽ tiếp tục tham mưu với Thủ tướng Chính phủ các giải pháp chỉ đạo để sử dụng CSDLQGVDC trong tiến trình xây dựng Chính phủ điện tử, khẩn trương nghiên cứu, đề xuất các ứng dụng để tích hợp trong thẻ CCCD điện tử. Tăng cường mở rộng kết nối, chia sẻ, cung cấp nhiều dịch vụ đối với các cơ quan, bộ, ngành, địa phương. Đẩy nhanh tiến trình hoàn thiện hành lang pháp lý, đặc biệt xây dựng, trình Chính phủ ban hành, triển khai thực hiện Nghị định quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân, Nghị định quy định về định danh và xác thực điện tử, Quy chế quản lý, vận hành, khai thác CSDLQGVDC.
Việc vận hành hiệu quả hệ thống CSDLQGVDC và hệ thống Sản xuất, cấp, quản lý CCCD cùng với các giải pháp công nghệ thông tin đã và đang được triển khai mang lại kết quả quan trọng, không chỉ làm giàu thêm Hệ sinh thái Chính phủ điện tử mà còn góp phần kiến tạo Chính phủ liêm chính, hành động, phát triển, phục vụ nhân dân, đảm bảo an ninh con người, đóng góp thiết thực vào tiến trình xây dựng Việt Nam trở thành quốc gia số trong tương lai không xa. (Còn nữa)
Nguồn: https://cand.com.vn/su-kien-binh-luan-thoi-su/chien-dich-than-toc-chien-cong-lich-su-loi-ich-lau-dai-i639670/
Ý KIẾN BẠN ĐỌC