- 12/08/2020
- 1980 lượt xem
- Giáo trình
Cuốn sách này được xuất bản trong khuôn khổ Dự án “Nâng cấp Hệ thống pháp lí thương mại đa phương của Việt Nam” do Vụ Pháp chế - Bộ Công Thương thực hiện, được tài trợ bởi Uỷ ban Châu Âu (EC) và Trung tâm Thương mại quốc tế (ITC) trong khuôn khổ Quỹ Tín thác châu Á (ATF)
CÔNG ƯỚC THƯỜNG ĐƯỢC SỬ DỤNG TRONG THƯƠNG MẠI QUỐC TẾ
LỜI GIỚI THIỆU Xem chi tiết
Năm 2005, Bộ Thương mại Việt Nam (nay là Bộ Công Thương) đã quyết định tiến hành khảo sát tổng thể các điều ước quốc tế hiện hành có ảnh hưởng đến thương mại. Bộ Thương mại đã bày tỏ mong muốn được Trung tâm Thương mại quốc tế (ITC) giúp các nhà hoạch định chính sách quốc gia rà soát khoảng 200 điều ước thương mại đa phương và đánh giá khả năng tham gia của Việt Nam vào các điều ước đó.
Trong năm 2006, một phân tích hơn thiệt các hiệp định mà Việt Nam chưa là thành viên được tiến hành trên cơ sở liên danh với ITC và một số tổ chức định chế quốc tế. Hệ thống cơ sở dữ liệu LegaCarta của ITC đã được sử dụng làm nền móng cho cuộc khảo sát này.
Tiếp sau cuộc hội thảo được tổ chức tại Hà Nội vào tháng 10 năm 2006, Bộ Thương mại Việt Nam phối hợp với các Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp, Đoàn Luật sư Hà Nội, Tổng cục Hải quan, Đại học Luật Hà Nội và Đại học Ngoại thương đã ban đầu xác định một nhóm gồm 11 điều ước được xem là mang tính chiến lược đối với nền kinh tế quốc dân. Văn bản các điều ước này sau đó đã được dịch sang tiếng Việt và biên tập trong tài liệu này.
Tài liệu này chủ yếu phục vụ cho các nhà hoạch định chính sách quốc gia nhằm thúc đẩy quá trình tham gia của Việt Nam vào các điều ước này. Tài liệu này cũng nhằm phục vụ như một công cụ phổ biến các văn kiện pháp lí quốc tế cho các giảng viên và sinh viên, luật sư và cộng đồng luật gia. Nhận thức sâu hơn về các quy tắc thương mại quốc tế trong cộng đồng pháp lí quốc gia mang tầm quan trọng đặc biệt khi chúng được hiểu và áp dụng.
Chúng tôi thực sự hi vọng rằng tài liệu về một số điều ước thương mại quốc tế này sẽ góp phần thúc đẩy việc thông qua và áp dụng các điều ước này tại Việt Nam, qua đó tăng cường vai trò của hệ thống pháp luật quốc gia đối với thương mại quốc tế.
Chúng tôi trân trọng cảm ơn Uỷ ban Châu Âu (EC), các tổ chức quốc tế và cơ quan thuộc Chính phủ Việt Nam, các chuyên gia trong nước và quốc tế về những giúp đỡ quý báu cho Dự án này.
TS. Lê Danh Vĩnh
Thứ trưởng Bộ Công Thương
Ý KIẾN BẠN ĐỌC